Giả hổ giết người, cuối cùng bị hổ ăn thịt

Người xưa nhắc nhở rằng: “Hãm hại người khác thì chính là đang tự hại bản thân mình”. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ như vậy.

nhân qủa, hổ dữ, hai nguoi, Bài chọn lọc, ăn thịt, Người lương thiện ắt được Thần linh chứng giám và phù trợ; còn người có tâm địa xấu hãm hại người khác ắt sẽ rước họa vào thân. (Ảnh: Internet)

Thời cổ có một người tên là Vi Đức, là người Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; từ nhỏ đã cùng cha mở một cửa hàng bán bạc nén (bạc được đúc thành nén). Vi Đức là người thật thà ngay thẳng, coi nhẹ danh lợi, vì thế khách hàng đông đúc, buôn bán thuận lợi; chỉ sau vài năm, đã kiếm được rất nhiều tiền, tích lũy được khối gia sản khá lớn.

Sau này Vi Đức trưởng thành lập gia đình với Đơn Thị, là con gái của người hàng xóm tên là Đơn Tài Phùng. Vì Đơn Thị vốn rất xinh đẹp, nên những người giàu có ở trong vùng, ai cũng sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền bạc để lấy cô làm thiếp, nhưng Đơn Tài Phùng không đồng ý. Thấy gia đình nhà họ Vi rất coi trọng tình nghĩa, sống hòa nhã với mọi người, gia cảnh cũng khá, lại là hàng xóm của nhau, nên đã đồng ý gả con gái cho Vi Đức.

Nhưng sau khi kết hôn không lâu, Đơn Tài Phùng bị bệnh qua đời, rồi không đến 2 năm sau cha mẹ của Vi Đức cũng qua đời vì bệnh. Vì không còn người thân nào ở đó nữa nên Vi Đức bàn với vợ, đưa cả nhà cùng với quan tài của cha mẹ mình về quê sinh sống. Đơn Thị lúc đầu không chịu, nhưng cuối cùng cũng đành chiều theo ý chồng. Vi Đức bán hết đồ đạc trong tiệm để lấy tiền, chuẩn bị hành lý, thuê một người lái thuyền, chọn ngày tốt, sẵn sàng cho một cuộc hành trình dài.

Ngày lành đã đến, hai vợ chồng Vi Đức cùng hai đứa con vận chuyển hết hành lý và quan tài của cha mẹ lên thuyền khởi hành về quê.

Người lái thuyền tên là Trương Sảo, y thường hay buôn bán gian lận trên con sông này. Bởi vì muốn kiếm chút vốn để buôn bán, nên đã nhận chở mướn cho gia đình Vi Đức. Thực ra chở thuê chỉ là cái cớ, lừa gạt tiền bạc mới là mục đích của y. Ở quanh vùng ai cũng biết bản tính của Trương, nên để không bị lộ, y đã thuê tìm một người câm chèo thuyền. Ngày hôm đó, biết được Vi Đức đã buôn bán bạc nhiều năm, trong hành lý nhất định có nhiều tiền, lại thấy Đơn Thị rất xinh đẹp, trong đầu Trương Sảo đã nảy sinh mưu đồ hiểm ác. Thuyền vừa mới đi, hắn đã khởi ác tâm, nhưng chưa nghĩ ra mưu kế gì.

Đến một ngày, bỗng sóng to gió lớn nổi lên nên thuyền phải đỗ lại ở dưới một chân núi. Trương Sảo liền bày mưu, nói rằng không có củi nên phải lên núi đốn củi về đun. Nhưng trên núi có cọp dữ, không dám đi một mình và cần Vi Đức đi cùng. Vi Đức đi theo lên núi, Trương Sảo cố ý đi lòng vòng dẫn Vi Đức vào rừng sâu để tìm cách hạ thủ. Đến một chỗ có bụi cây khô, Trương Sảo chặt cành xuống bảo Vi Đức nhặt gom lại. Khi Vi Đức đang chăm chú nhặt, thì Trương Sảo từ phía sau bất thình lình nện búa tới tấp vào anh, Vi Đức máu chảy loang khắp người ngã gục xuống đất. Sau đó, Trương Sảo lau búa sạch sẽ, rồi vội vàng người không chạy về thuyền.

Đơn Thị thấy Trương Sảo trở về một mình thì lo lắng hỏi chồng mình ở đâu? Trương Sảo nói: “Chúng tôi đang đi thì gặp phải một con hổ lớn, chồng cô bị nó ăn thịt rồi, may mà tôi chạy nhanh nếu không cũng bị nó ăn nốt, tôi sợ quá chạy về không dám quay đầu nhìn lại nữa”.

Đơn Thị nghe vậy thì khóc lóc vô cùng thương xót, Trương Sảo cũng giả bộ đau thương chia buồn với Đơn Thị.

Đơn Thị vừa khóc vừa nghĩ: “Hổ thường thì buối tối mới xuống núi, sao ban ngày lại có thể xuống núi ăn thịt người? Với lại hai người đi với nhau sao nó lại chỉ ăn thịt chồng cô? Còn hắn ta ngay cả bị thương nhẹ cũng không có, quả thật rất kỳ lạ”. Sau đó cô nói với Trương Sảo: “Chồng tôi mặc dù bị hổ dữ tấn công, nhưng có thể vẫn chưa chết”.

Trương Sảo nói: “Trong miệng mèo còn không thoát được, huống chi là hổ”.

Đơn Thị nói: “Tuy vậy nhưng chưa tận mắt nhìn thấy, nên không thể khẳng định là đã bị hổ ăn, nếu chồng tôi bị hổ ăn thì chắc chắn cũng phải còn lại một ít thịt, ông có thể dẫn tôi lên chỗ đó tìm để mang về được không? Nếu không tôi sẽ không thể yên lòng”.

Trương Sảo nói: “Tôi sợ hổ, không dám đi đâu”. Đơn Thị lại buồn bã khóc.

Trương Sảo lại nghĩ: “Không dẫn cô ta đi, thì tâm cô ta sẽ không dứt”, rồi nói : “Được rồi, ta dẫn cô đi, đừng khóc nữa”.

Đơn Thị lập tức lên bờ, vừa đi vừa khóc. Đi một hồi lâu mà vẫn không nhìn thấy vết tích của hổ. Trương Sảo chỉ đông chỉ tây, chỉ mong Đơn Thị mệt mỏi muốn quay về. Nhưng Đơn Thị nhất định phải nhìn thấy xương cốt của chồng thì mới yên tâm. Trương Sảo thấy Đơn Thị không chịu quay trở về, liền nói dối: “Nàng mà cứ đi tiếp về phía trước thì sẽ gặp hổ đấy!”. Đơn Thị ngẩng đầu lên nhìn, rồi hỏi: “Hổ ở đâu?”, chưa nói hết câu, thì nghe thấy tiếng gió từ trong rừng thổi đến rất kỳ lạ, rồi đột nhiên có một con hổ lớn xuất hiện, mắt trừng trừng lao thẳng vào Trương Sảo. Trương Sảo không kịp phản ứng, chỉ nghe thấy một tiếng “A…”, trong nháy mắt Trương Sảo đã nằm trong miệng hổ, rồi  bị nó tha vào trong rừng sâu để ăn thịt.

Không có hổ nhưng nói dối có hổ để hại người; quả thực tâm địa xấu xa này chính là chiêu mời hổ dữ. (Ảnh: Internet)

Đơn Thị sợ quá ngất xỉu ngay tại chỗ, sau nửa ngày mới tỉnh lại, nhìn không thấy Trương Sảo, chỉ biết là hắn ta bị hổ mang đi rồi. Lúc này, cô đã tin trong núi thật sự có hổ dữ, và tin là chồng mình đã bị ăn thịt, thấy vô cùng sợ hãi, không dám đi về phía trước nữa. Vì thế cô lần theo đường cũ để quay về, vừa đi vừa khóc, chưa kịp ra khỏi núi, thì nhìn thấy cái gì đó đang tiến đến. Đơn Thị tưởng lại là hổ dữ xuất hiện nên rất hoảng sợ, nghĩ rằng mình sẽ chết chắc, chỉ biết quay đầu chạy ngược lại, nhưng bất ngờ nghe thấy tiếng nói: “Nương tử, nàng sao lại ở đây?”, lại còn có đôi bàn tay vịn vào người mình. Đơn Thị quay lại nhìn thì thấy Vi Đức, máu chảy đầy mặt.

Thì ra, mặc dù bị búa bổ bị thương rất nặng nhưng Vi Đức đã không chết. Khi Trương Sảo bỏ đi, Vi Đức đã tỉnh lại, quay trở về chỗ thuyền đậu, thật may lại gặp được Đơn Thị. Sau khi nghe Vi Đức kể lại sự tình, Đơn Thị mới biết Trương Sảo đã lập mưu để sát hại chồng mình, sau đó nói dối là chồng cô bị hổ vồ. Cuối cùng Trương Sảo lại bị hổ ăn thịt, đây chính là Thần linh đã phái con hổ đến để giúp vợ chồng họ diệt trừ kẻ ác. Hai vợ chồng họ quỳ xuống bái lạy để cảm tạ trời đất.

Về đến thuyền, người câm dùng tay ra hiệu, hỏi chủ thuyền sao lại không trở về? Hai vợ chồng Vi Đức kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông ta nghe, người câm nghe xong liền vỗ tay, rồi bỗng nhiên niệm một câu phật hiệu, từ đó liền có thể nói chuyện. Người này sau đó đã kể ra những chuyện ác mà Trương Sảo đã làm từ trước đến giờ, nhưng khi hỏi lại ông thì ông ấy lại bị câm giống như trước, quả thật rất kỳ lạ.

Sau đó, Vi Đức giúp đỡ người câm chèo thuyền về đến tận nhà. Về nhà, Vi Đức bán thuyền lấy tiền xây một Phật đường, ông giữ người câm ở lại, ngày đêm lo việc trông coi và thắp nhang Phật đường. Vợ chồng Vi Đức từ đó cho đến hết đời luôn tin và thờ phụng Phật.

Trong câu chuyện này, con hổ chính là được Thần phái đến để trừng trị kẻ ác. Vi Đức vì sống lương thiện nên được Thần bảo hộ mới sống sót, người câm lương thiện đột nhiên nói ra những việc ác của Trương Sảo cũng là Thần làm cho ông ta nói được, đây chính là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” vậy.

(Trích từ “Tỉnh thế hằng ngôn”)
Theo tinhhoa



Comments