Cung Ung Hòa là ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng ở Bắc Kinh, có rất nhiều di tích văn vật, trong đó nổi tiếng nhất là tượng Phật Di Lặc làm bằng cây bạch đàn hương.
Bài này xin giới thiệu qua về cung Ung Hòa và tượng Phật Di Lặc.
Cung Ung Hòa
Toàn cảnh cung Ung Hòa. (Ảnh: Internet)
Tiền thân của cung Ung Hòa là khu nhà ở của quan Thái giám vào triều nhà Minh, vào đời nhà Thanh được dùng làm Phủ Nội vụ, năm thứ 33 Khang Hy (1694) sửa lại và thưởng cho Hoàng Tứ Tử, tức vua Ung Chính sau này, khi đó nó trở thành phủ đệ (nơi ở của quan lại, quý tộc), lấy tên là “phủ Bối Lặc.” Năm thứ 48 Khang Hy (1709), vì Hoàng Tứ Tử được phong làm Thân vương, vì thế nó lại được đổi tên thành phủ Ung Thân vương, bố cục kiến trúc của cung Ung Hòa ngày nay vẫn theo quy tắc của phủ Thân vương trước đây. Năm thứ 3 Ung Chính (1725), Ung Chính đổi tên phủ Ung Thân vương thành “Ung Hòa cung,” trở thành hành cung của vua Ung Chính.
Cung Ung Hòa là nơi sinh của vua Càn Long. (Ảnh: Internet)Cung Ung Hòa được mệnh danh là “rồng ẩn đất lành.” (Ảnh: Internet)
Cung Ung Hòa không chỉ là hành cung của Ung Chính mà còn là nơi sinh của vua Càn Long, nghĩa là có hai vị vua đã ở đây, được mệnh danh là “đất lành rồng ẩn,” vì thế nó có ngói vàng tường đỏ và tường hoàng cung màu tím. Năm thứ chín Càn Long (1744), do kiến nghị của Chương Gia (Lcan-skya), cung Ung Hòa được đổi thành Chùa Phật giáo Hoàng gia. Nhưng cung Ung Hòa không chỉ là thánh địa tôn giáo mà còn là một kho tàng về nghệ thuật. Trong đó có rất nhiều văn vật vô giá như tranh Thangka, tượng Phật, pháp khí, sách kinh, bích họa… Nhưng quý và nổi tiếng nhất có thể kể là “mộc điêu tam tuyệt” (tượng điêu khắc 500 vị La Hán, tượng Phật gỗ bạch đàn hương, và khám Phật bằng gỗ lim). Trong đó đứng đầu phải kể là tượng Phật Di Lặc trong Vạn Phúc các.
Năm trăm vị La Hán, một trong “Mộc điêu tam tuyệt.” (Ảnh: Internet)
Khám Phật gỗ lim chỉ vàng trong Chiếu Phật lầu. (Ảnh: Internet)
Kiến trúc của cung Ung Hòa vẫn còn giữ nguyên vẹn như xưa, đường trục theo hướng nam – bắc, bố cục chỉnh thể lên cao dần. Lầu Vạn Phúc ở sau Điện Pháp Luân, là điện lớn cuối cùng của cung Ung Hòa, cũng là tòa lầu hùng vĩ nhất, bên trong có tượng Phật Di Lặc cao lớn sừng sững. Vì có hơn 10 ngàn tượng Phật nên được gọi là “Vạn Phật các,” sau đó do vấn đề đồng âm nên sửa thành “Vạn Phúc các.” Nơi này còn có tên Đại Phật lầu, cao hơn 30 mét, mái cong, toàn kiến trúc bằng gỗ, nhìn từ bên ngoài là một tòa lầu ba tầng, nhưng bên trong là một khối chứ không có sàn gác ngăn cách nhau, ở trung tâm là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ bạch đàn hương nổi tiếng thế giới.
Quá trình xây dựng tượng Phật Di Lặc khổng lồ
Tượng Phật Di Lặc khổng lồ đứng đầu “tam tuyệt” trong Ung Hòa cung, là tượng Phật gỗ khổng lồ độc nhất thế giới. (Ảnh: Internet)
Lầu các này được xây dựng từ năm 13 – 14 vua Càn Long. Tương truyền, sau khi cung Ung Hòa đổi thành chùa Phật giáo, vua Càn Long cho rằng phía bắc của ngôi chùa quá trống trải, vì thế muốn xây dựng thêm vào một lầu các thật to để làm bức thành chắn phía bắc. Nhưng khổ nỗi lại không có tượng Phật nào to tương xứng. Thông tin này được truyền đến tai Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 7, ông sai người đi tìm nguyên liệu để làm tượng Phật tương ứng. Vừa may, vương quốc Nepal mới chuyển về một cây gỗ bạch đàn hương khổng lồ từ Ấn Độ, Đạt Lai Lạt Ma biết tin liền dùng nhiều châu báu mua lại và vận chuyển theo đường thủy từ Tây Tạng đến Tứ Xuyên, trải qua vô số gian khổ cuối cùng cũng đưa được cây gỗ đến kinh thành.
Sau khi cây gỗ được chuyển về, vua Càn Long giao cho Sát Hãn chỉ huy thiết kế, phối hợp với các bộ phận của Ban Chế tác Điện Dưỡng Tâm của Hoàng cung dựng tượng Phật ở chính điện. Toàn bộ phần chính của tượng Phật Di Lặc được khắc bằng thân cây gỗ bạch đàn hương, cánh tay, đai và vân áo dùng thêm loại gỗ khác hỗ trợ tạo thành. Cây gỗ bạch đàn hương này cao 26 mét, nhưng có 8 mét được chôn dưới đất, chúng ta chỉ thấy phần 18 mét điêu khắc ở bên trên. Sau khi tượng Phật được làm thành, việc làm cái áo khoác cho tượng phải dùng đến 1100 mét gấm vàng. Trong lần tu sửa vào năm 1979, người ta thấy phần chôn dưới đất dù trải qua hai trăm năm nhưng gỗ vẫn còn rắn chắc mà không bị hư hoại gì, có thể thấy trình độ rất cao của các nhà nghệ thuật điêu khắc gỗ thời đó, xứng danh là vật báu của Trung Hoa.
Tượng Phật Di Lặc đứng đầu trong “tam tuyệt”
Phần Bảo tọa đồ sộ của tượng Phật Di Lặc được khắc bằng đá cẩm thạch, tuy hình thể tượng Phật to lớn nhưng không khiến người ta có cảm giác thô, vụng về. Phần đầu Phật trang trí phức tạp và có đội vương miện hình 5 cánh kiểu Phật giáo Tây Tạng, nét mặt khoan thai mà lộng lẫy, toàn thân thếp vàng, có đính những chuỗi ngọc và châu báu, nhưng trông rất trang trọng, ánh mắt có thần, miệng khép lại, toàn khuôn mặt gợi cảm giác hiền từ mà uy nghiêm. Tay Phật kết ấn biểu thị trong tương lai Phật Di Lặc sẽ giáng sinh xuống nhân gian, phổ độ chúng sinh. Đáng chú ý là phía trước tượng Phật khổng lồ có thêm tượng Phật Như Lai nhỏ.
Theo Phật giáo, Phật Di Lặc là vị cứu tinh của thế giới, vì thế Phật Di Lặc là Phật của tương lai.
Theo Secretchina
Comments
Post a Comment