Người xưa rất coi trọng tu dưỡng đạo đức, vì người có đức mới là bậc hiền trí. Đã có biết bao ghi chép về tấm gương các vị quan đã làm người đời sau thán phục. Dưới đây là câu chuyện một đại thần triều Nguyên luôn bảo vệ người vô tội cho dù có phải bỏ mạng của mình.
Triệu Lương Bật (1216-1286 AD) là một quan đại thần vào triều Nguyên (1271-1368). Nếu có sai sót, ông không bao giờ đẩy trách nhiệm cho người khác mà luôn tự mình thừa nhận sai lầm.
Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình, thậm chí ông sẽ tự mình gánh vác hậu quả nếu đó là một quyết định quan trọng. Bất kể dưới áp lực như thế nào, ông cũng từ chối làm chứng chống lại những đại thần vô tội.
Hỗn Đô Hải phản bội triều đình nhà Nguyên. Hai thuộc hạ của Hỗn Đô Hải là Khất Đài Bất Hoa và Mê Lập Hỏa Giả bị bắt. Triệu Lương Bật và hai Tuyên phủ sử là Uông Duy Chính và Lưu Hắc Mã được Triều đình giao nhiệm vụ xử tội hai thuộc hạ của Hỗn Đô Hải.
Hai Tuyên phủ sử sợ phạm phải tội “thiện sát” nếu xử tử hai thuộc hạ của Hỗn Đô Hải, nên đã phái sứ giả vào Triều xin trị tội. Họ gửi một tấu thư lên Thế Tổ Hốt Tất Liệt – Hoàng đế sáng lập ra nhà Nguyên, xin được trị tội vì đã không xử tử hai phạm nhân.
Lúc sứ giả chuẩn bị vào Triều, Triệu Lương Bật đưa cho anh ta một mật tấu, căn dặn anh ta trình lên Hoàng đế Hốt Tất Liệt mật tấu này nếu Hoàng đế trách cứ hai Tuyên sử Uông và Lưu. Ông nói: “Tội do ta chịu trách nhiệm chứ không phải do Tuyên phủ sử”. Nhưng cuối cùng Hoàng đế Hốt Tất Liệt lại không hề truy vấn sự việc này.
Phí Dần là một đại quan ở tỉnh Tứ Xuyên, do tư thù ân oán với Uông Duy Chính và Lưu Hắc Mã nên đã lập mưu hãm hại họ, ở trên Triều tố cáo chín tội trạng của họ, lại còn nói Triệu Lương Bật có thể làm chứng cho những việc này.
Hoàng đế Hốt Tất Liệt triệu vấn Triệu Lương Bật. Triệu Lương Bật trả lời: “Họ đều là những trung thần lương thiện. Họ không bao giờ làm bất cứ điều gì phụ lại lòng tin của Bệ hạ. Nếu cắt trái tim của thần ra mà có thể chứng minh được thì thần xin nguyện làm điều đó”.
Hoàng đế Hốt Tất Liệt vẫn còn nghi ngờ lòng trung thành của hai vị đại thần. Hoàng đế đã khiển trách Triệu Lương Bật, thậm chí còn dọa cắt lưỡi của ông. Triệu Lương Bật nói rằng ông thà chết chứ nhất định không làm chứng giả chống lại những đại thần vô tội, cuối cùng ông đã hóa giải được nghi tâm của Hoàng đế.
Phí Dần, người muốn mưu hại hai vị đại thần để báo thù, sau này lại chính là kẻ tạo phản chống lại Hốt Tất Liệt. Cuối cùng ông ta đã bị bắt và bị tru di cửu tộc.
(Theo “Nguyên sử”, quyển 159, liệt truyện 46)
Theo Minhhue
Comments
Post a Comment