Quy luật của vũ trụ rất chính xác và công bằng, bất cứ ai cũng phải tuân theo nguyên lý thiện ác hữu báo, nợ thì phải trả. Người nào trốn nợ không trả thì sau này nhất định sẽ phải trả, thời gian càng lâu món nợ càng nặng thêm, và người đó càng phải trả nhiều hơn. Người nào xúi giục người khác làm chuyện xấu mà lại thoái thác rằng: “Tôi không nhúng tay vào việc đó, người khác gây nên thì tôi có tội gì chứ?”, cũng không thể lấy cớ đó mà lấp liếm được! Cũng có người nói: “Người khác ép tôi làm chuyện xấu, vậy kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm chứ không liên quan đến tôi”, vậy cũng không được.
Người xúi giục người khác làm chuyện xấu hay người bị ép làm chuyện xấu đều có tội! Hãy xem một câu chuyện có thật được ghi chép trong cuốn Tử Bất Ngữ của Viên Mục, nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh.
Tống Tông Nguyên người Tô Châu, giữ chức quan Đạo viên. Ông có một người cháu họ là Tống Sinh, Tống Sinh mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên được chú nuôi nấng trưởng thành, chú cậu rất nghiêm khắc với cậu.
Năm Tống Sinh lên bảy tuổi, một hôm trên đường đi đến nhà thầy đồ để học, cậu lại lén trốn đi xem xiếc, bị hàng xóm trông thấy mách với chú cậu. Cậu sợ quá không dám về nhà nữa, bèn chạy trốn đến làng Mộc Độc làm ăn mày. Một người họ Lý thương hại và giữ cậu ở lại làm người giúp việc ở tiền trang. Tống Sinh làm việc rất nhanh nhẹn, cẩn thận, nên sau này được ông Lý gả a hoàn Trịnh Thị làm vợ.
Tống Sinh suốt chín năm làm việc ở tiền trang đã tích góp được không ít tài sản. Một lần, anh vào thành dâng hương, trên đường đi gặp lại người chú. Tống Sinh không giấu được liền kể sự thật cho chú nghe. Người chú biết được Tống Sinh có tiền tích cóp, liền khuyên anh về nhà cưới vợ khác cho anh.
Tống Sinh lúc đầu không đồng ý, nói với chú rằng Trịnh Thị rất hiền thục, họ lại có với nhau một bé gái rồi.
Người chú tức giận nói: “Chúng ta là đại gia tộc, sao có thể lấy a hoàn làm vợ được chứ?”, ông ta kiên quyết ép Tống Sinh ly hôn.
Lý Mỗ (người năm xưa thu nhận Tống Sinh, có ân nghĩa với Tống Sinh) sau khi biết chuyện này bèn tự nguyện nhận Trịnh Thị làm con gái mình, ngoài ra ông còn chuẩn bị đồ cưới cùng của hồi môn đưa về nhà Tống gia.
Nhưng chú của Tống Sinh không đồng ý, vẫn ép buộc Tống Sinh viết giấy ly hôn với Trịnh Thị. Sau đó, người chú đã cưới cho Tống Sinh một người vợ khác là Kim Thị.
Trịnh Thị sau khi nhận được giấy ly hôn đã khóc lóc thảm thiết, cô cảm thấy xấu hổ, không mặt mũi nào để nhìn mặt người đời nữa, liền ôm con gái nhảy xuống sông tự vẫn.
Ba năm sau, Kim Thị cũng sinh hạ một bé gái. Một hôm, chú của Tống Sinh đi kiệu qua một nơi, bỗng nhiên một cơn gió xoáy nổi lên thổi bay màn kiệu. Gia nhân nhìn vào trong kiệu phát hiện thấy ông đã sùi bọt mép mà chết, trên cổ có vết cào. Ông chú đã bị âm hồn của Trịnh Thị bóp cổ chết)
Ngay tối hôm đó, Kim Thị nằm mơ thấy có một phụ nữ đầu bù tóc xõa, máu me khắp người, nói với nàng: “Ta là Trịnh Thị, chồng ngươi (tức Tống Sinh) bất lương, nghe theo lời người chú ác độc của hắn mà ruồng bỏ ta. Ta vì giữ trung trinh, không cưới người khác nữa mà nhảy xuống sông tự vẫn. Hôm nay ta tìm chú hắn tính sổ trước, sau đó sẽ nhanh chóng đến tính sổ với chồng ngươi. Việc này vốn không liên quan đến ngươi, ngươi không cần phải sợ. Thế nhưng ta không thể bỏ qua con gái của ngươi, dùng một mạng của con gái ngươi trả một mạng của con gái ta, đây cũng là báo ứng công bằng.”
Kim Thị tỉnh lại kể cho chồng nghe giấc mơ. Tống Sinh vô cùng lo sợ bèn cầu cạnh bạn bè: “Chuyện này phải làm sao đây?” Một người bạn mách rằng: “Ở Huyền Diệu quán có Thi đạo sĩ biết vẽ bùa đuổi quỷ, cậu hãy đi mời ông ta làm phép, viết văn điệp đem hồn Trịnh Thị giải đến địa phủ Phong Đô, nhà cậu sẽ bình yên thôi.”
Vì vậy, Tống Sinh đã chi một khoản tiền lớn mời Thi đạo sĩ đến. Thi đạo sĩ hỏi rõ ngày tháng năm sinh của Trịnh Thị, viết lên một tờ giấy vàng, dán lên một lá bùa Thiên Sư để đem quỷ áp giải đến Phong Đô. Tống gia quả nhiên bình yên vô sự.
Ba năm sau, Tống Sinh đang ban ngày ngồi trước cửa sổ thư phòng bỗng nhìn thấy Trịnh Thị, nàng mắng anh rằng: “Ta bắt chú của chàng trước, sau sẽ tìm đến chàng, là bởi vì làm chuyện xấu không phải chủ ý của chàng, hơn nữa bởi còn nhớ đến duyên phận tình nghĩa phu thê ngày trước. Vậy mà chàng lại xuống tay trước, dùng văn điệp áp giải ta đến Phong Đô, sao chàng lại xấu xa đến vậy! Hôm nay kỳ hạn giam giữ ta đã hết, ta đã tâu lên Thành Thần nỗi oan khuất của ta, chư Thần khen ngợi ta trinh liệt, cho phép ta báo thù. Xem chàng còn trốn nơi nào được nữa!”
Tống Sinh từ đó trở nên mê man đần độn, thần trí thất thường, thường vô duyên vô cớ đập phá đồ đạc trong nhà, khua gậy gộc loạn xạ. Người nhà họ Kim vô cùng sợ hãi, mời tăng nhân đến siêu độ cho Trịnh Thị nhưng vẫn không hiệu quả. Không quá 10 ngày sau thì Tống Sinh chết. Mười ngày sau nữa, con gái Tống Sinh cũng chết theo. Chỉ có Kim Thị là không việc gì.
Thật đúng là:
Vũ trụ kính huyền, hào phát tất hiện.
Toa sử giả tội, thủ đương thanh toán;
Bị bách tố ác, diệc tao hủy thảm.
Tuyết phi lục nguyệt, lôi nhiếp cửu thiên;
Hồng quán bạch nhật, oan thân u tuyền;
Thiện ác hữu báo, khiếm trái tất hoàn.
Thần mục như điện, thiên uy chấn hám;
Gian nịnh khuynh phúc, lý hữu cố nhiên!
Tạm dịch:
Vũ trụ soi sáng, chẳng chạy đường tơ;
Tội người xúi bẩy, thanh toán trước tiên;
Bị buộc làm ác, cũng chịu tai ương.
Tuyết rơi tháng sáu, chín trời sấm vang;
Cầu vồng bạch nhật, cửu tuyền thác oan;
Thiện ác tất báo, thiếu nợ phải hoàn.
Mắt Thần như điện, Trời hiển uy nghiêm;
Gian nịnh ngã nhào, là lẽ đương nhiên.
Theo chanhkien.org
Comments
Post a Comment