Hệ quả của sắc dục (P2)

Cổ nhân Trung Quốc tin rằng những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục sẽ được phúc báo. Còn nếu tham sắc túng dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý; thậm chí không làm gì cả, nhưng có những suy nghĩ bất chính thì cũng coi như có tội. Người nào mà trái với Thiên đạo thì chính họ và thế hệ sau sẽ phải chịu tai ương. Nhiều ví dụ đã được ghi lại trong suốt thời kỳ lịch sử.

>>Hệ quả của sắc dục (P1)

4. Tham sắc hủy hoại tương lai

Vào thời nhà Minh có Lục Trọng Tích từ thuở nhỏ đã tư chất hơn người, giỏi thơ văn lại có trí nhớ phi phàm, chỉ cần xem qua thì liền có thể nhớ được những đoạn văn dài. Năm 17 tuổi, Lục Trọng Tích cùng Khâu lão sư đến kinh thành chuẩn bị khảo thí.

Trên đường đi, họ dừng lại nghỉ qua đêm ở những thành phố khác nhau. Đến kinh thành, họ đã bắt gặp một cô gái xinh đẹp ở phía đối diện với quán trọ. Vị lão sư này thay vì khuyên học trò phải đoan chính hành xử, chuyên tâm nhất chí cho học hành thi cử thì lại nói với Lục Trọng Tích rằng: “Ta nghe nói ngôi đền bên ngoài cổng Tuyên Vũ khá linh. Tại sao con không đến đó mà cầu cho được toại nguyện?” Lục Trọng Tích nghe lời lão sư và đi đến ngôi đền.

Đêm đó, Trọng Tích trở về nằm mộng, tỉnh dậy khóc không ngừng, mọi người kinh hãi hỏi nguyên nhân, Lục mới nói rằng: “Vừa rồi tôi nằm mộng thấy Thần tại Thành Hoàng đuổi theo tôi và lão sư, nghiêm khắc quở trách chúng tôi. Tôi đã được an bài đỗ trạng nguyên nhưng do những ý niệm bất hảo của chúng tôi, công danh đã không còn nữa và dương thọ của lão sư bị rút ngắn lại.” Nói xong Lục lại khóc không ngừng.

Không lâu sau, thư đồng đến báo tin cho Lục biết vị lão sư đã chết do dịch tả cấp tính. Sau này, quả nhiên dự ngôn trong mộng đã ứng nghiệm cuộc đời của Lục, thi cử bất thành và suốt đời bần hàn cơ cực.

Lục Trọng Tích niên thiếu có tài hoa, đáng lẽ sẽ đỗ đạt khoa cử, nhưng vì nhân tâm bất chính mà đã hủy đi tất cả, thế mới thấy rằng được hay mất là từ tâm của mình. Ý nghĩa của câu chuyện này là phải dứt bỏ những dục vọng của con người. Con người không nên thay đổi hành vi của họ [chỉ] vì sợ bị trừng phạt, mà thay vào đó hãy cư xử đạo đức vì đó là thái độ của một người cao quý nên hành xử.

5. Một niệm có thể thay đổi tương lai

Ở tỉnh Phúc Kiến có một vị tên là Lý Sinh, vô cùng chăm chỉ đọc sách thánh hiền. Trên đường đến kinh thành tham gia kỳ thi do nhà vua tổ chức, anh quyết định qua đêm tại một lữ quán tại Cù Châu. Đêm đó người chủ quán vốn nằm mộng thấy Thổ Địa nói với ông rằng: “Ngày mai sẽ có một vị tên là Lý Sinh đến nghỉ trọ tại lữ quán của ông, ông phải đối đãi tốt với anh ta, bởi vì mệnh của anh ta sẽ đỗ thủ khoa!”

Ngày hôm sau, quả nhiên Lý Sinh đã đến, ông chủ lữ quán ân cần khoản đãi, nhanh chóng thết đãi đồ ăn ngon, còn cung cấp xe ngựa cho anh đi. Thấy lạ, Lý Sinh hỏi chủ quán vì sao lại đối đãi với anh như vậy, chủ lữ quán bèn kể lại giấc mộng cho Lý Sinh. Anh nghe xong vô cùng cao hứng, nghĩ rằng: “Chẳng mấy mà mình đỗ đạt công danh rồi! Nếu như mình làm đại quan, mình có thể bỏ người vợ bần cùng mà lấy người vợ mới xinh đẹp hơn!”

Sau khi Lý Sinh rời đi vào sáng hôm sau, người chủ lữ quán lại mộng thấy Thổ Thần đến nói với ông rằng: “Lý Sinh này tâm bất lương, công danh chưa thành mà đã nghĩ chuyện bỏ vợ, giờ thì anh ta không còn hy vọng đỗ đạt nữa rồi.”

Lý Sinh trên đường trở về đến lữ quán, người chủ đối xử với anh vô cùng lãnh đạm, thậm chí không cho phép anh ở lại qua đêm. Lý Sinh hỏi nguyên nhân tại sao, chủ lữ quán liền truyền đạt lại những lời Thổ Thần cho anh nghe. Lý Sinh nghe xong thất kinh, và lập tức rời đi. Sau đó, quả nhiên là Lý Sinh không đắc công danh.

Lý Sinh chỉ sai một niệm, vậy mà bản mệnh đắc công danh cũng bị hủy đi, phúc báo bị tước mất. Chỉ có tâm tồn thiện niệm, ước thúc bản thân không làm điều bất thiện, không đắc tội với Thiên Địa Thần minh, thì mới có thể thọ phúc.

6. Dẫn dụ tà dâm phải chịu ác báo

Toàn Như Ngọc là một nho sinh ở Bột Hải, tuy gia cảnh bần hàn nhưng luôn hành thiện, nỗ lực chép lại các sách khuyến thiện nhằm hóa đạo thế nhân. Thấy người khác hành thiện, anh cũng hết sức tán thành.

Trong một lần anh đi biển, thuyền bị gió lốc thổi đến một vùng ven núi, anh đã thấy một vị đạo sỹ từ trong rừng bước ra, nói với anh rằng: “Thế gian đầy những giả dối, mà Thượng Đế thì thích những ai có tâm chân thành, ngươi bình sinh khuyến nhân hành thiện, truyền bá sách thiện, lại thành tâm không cầu người khác biết mà công nhận, cho nên công đức rất lớn.” Toàn Như Ngọc khiêm tốn nói: “Quả thực là không dám.”

Vị đạo sỹ lại nói: “Nho sinh đọc sách có tài trí thông minh, nếu như không tán dương thánh hiền nghĩa sĩ, trái lại soạn ra dâm thư tà thuyết, sẽ khiến người ta chịu hại, loại người này sẽ phải vào địa ngục chịu vô lượng thống khổ, vĩnh viễn không có ngày nào thoát. Ta sẽ đưa ngươi đi xem, sẽ biết họ phải chịu tội gì, cũng đồng thời thấy được công đức của ngươi.”

Đạo sỹ dẫn Toàn Như Ngọc đến địa ngục, và nói: “Viết ra dâm thư tà thuyết, hại người hại đời, gây độc cho cả trời đất, coi thường thần minh, tội ác cực đại.” Có hai sai dịch dẫn Toàn Như Ngọc đến một nơi, thấy một số người, hoặc phải chịu đao chém, hoặc phải chịu cày xới, giày xéo hay là bị nướng. Mỗi lần chịu tội hoàn tất, những người này rất nhanh khôi phục nguyên hình. Toàn Như Ngọc hỏi: “Những người này là thế nào?” Sai dịch giải thích: “Đây là những người đã viết sách tà tâm.“ Toàn Như Ngọc lại hỏi: “Phải chịu tội nghiệp đến khi nào?” Sai dịch đáp: “Vạn kiếp trầm luân.”

Toàn Như Ngọc vô cùng kinh hãi, sai dịch đưa anh quay trở lại điện Sâm La, đạo sỹ cùng Toàn Như Ngọc cáo từ Diêm Vương rời đi. Đạo sỹ lại đưa anh trở lại ven núi. Sau khi trở về, Toàn Như Ngọc đã nói lại cho mọi người những gì bản thân thấy được, cũng không ngừng khuyên nhủ thế nhân hành thiện trừ ác.

Duyên vợ chồng là Thiên định

Duyên vợ chồng là Thiên định, cổ nhân xem trọng luân lý và danh tiết, đối với quan hệ phu thê vô cùng coi trọng, đối với vấn đề sắc và dục vọng cũng vô cùng coi trọng, luôn tránh làm ra những chuyện thất lễ bất nghĩa, kỳ thực đó chính là quy phạm mà Thần cấp cho con người. Loạt bài này nhằm cảnh tỉnh con người, nhất định không được mắc sai lầm ở phương diện sắc dục, không nên làm chuyện xấu, không thể có ác niệm, bởi mỗi niệm xuất ra Thần đều biết, Thiên thượng luôn dõi theo nhân tâm, đen trắng phân minh. Cổ ngữ có câu “vạn ác dâm vi thủ”, chỉ một niệm dâm dục, sẽ dẫn khởi nhiều ác niệm, làm ra những chuyện không còn liêm sỉ, đi ngược luân lý, các loại ác nghiệp từ đó mà sinh ra. Truyền bá những ngôn luận tà dâm, tà niệm, kích động tư dục tham tâm của người khác, chính là gây tội nghiêm trọng, sẽ phải đả nhập địa ngục, khi nghiệp báo đến thì có hối cũng chẳng kịp. Vậy thì hà cớ gì mà còn chưa tỉnh ngộ?

Theo: vn.minghui.org



Comments