Câu chuyện luân hồi, tái sinh tại Brazil: Một mối tình tuyệt vọng

Trong kiếp sống hiện tại, Marta đã vượt qua những đau khổ của bản thân trong tiền kiếp để vươn đến một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Bằng sự trải nghiệm của bản thân mình, cô đã giúp cho những người xung quanh vơi đi những đau khổ và ưu sầu.

(Ảnh: Internet)

Ðây là một trường hợp Tiến Sĩ Ian Stevenson đăng trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease (Tờ Báo nói về Bệnh thần kinh và tâm trí) vào năm 1983.

Tại Rio Grand Do Sul, một Tiểu bang cận nam của Brazil, một bé gái của một trại chủ giàu có tên là Senor C.J. De Oliveiro ra đời. Tên bé gái là Maria nhưng thường gọi là Sinham và tên thân mật hơn là Sinhazinha.

Khi lớn lên Sinha rất yêu mến đời sống thôn dã nơi quê cha và thỉnh thoảng cô thường đến chơi làng Dom Feliciano cách 12 dặm. Nơi đây Sinha quen với Ida Lorenz, vợ một giáo viên.

Rồi thì 2 lần tình yêu đến trong đời người thiếu nữ, nhưng lần nào cô cũng đều bị người cha nghiêm khắc bảo thủ ngăn cản. Và một trong 2 chàng trai yêu cô đã tự tử vì tuyệt vọng. Sinha ngày càng héo hon sầu não. Vì lo lắng, người cha đã thu xếp cho cô đi du ngoạn Pelotes, một thị trấn ven biển trong mùa hội, nhưng tình trạng của cô cũng không khả quan hơn.

Với mục đích hủy hoại thân mình, cô đã tự hành xác bằng cách dầm thân dưới trời giá lạnh cho đến khi kiệt sức. Cô bị khản tiếng, nhiễm trùng cổ họng, sưng phổi rồi ho lao. Vài tháng sau cô qua đời.

Trước khi chết, cô có tâm sự với người bạn thân Ida Lorenz rằng việc mình bị bệnh là tự cô làm ra. cô còn căn dặn 2 điều:

“Một, tôi sẽ tái sinh làm con gái của Ida và hai, khi biết nói tôi sẽ kể lại mọi điều về đời sống hiện tại của tôi lúc đó chị sẽ nhận ra”.

Ida có nói cho chồng biết và hai người cùng chờ xem sự việc xảy ra sao. Ngoài ra không một ai trong gia đình biết cả.

Vài tháng sau khi Sinha chết, Ida sinh được một bé gái đặt tên là Marta. Marta có những nét đặc biệt rất giống với Sinha. Khi Marta chưa đầy 1 tuổi, người cha của Sinha đến thăm gia đình Ida Lorenz, một gia đình khác là ông Valentin cũng đến chơi cùng lúc ấy. Ông Valentin có vẻ thương yêu chiều chuộng Marta, nhưng ngược lại Marta cứ đòi theo cha của Sinha mặc dầu ông này thường không thích trẻ nhỏ. Marta đã vuốt râu ông và nói: “Chào ba”. Lúc đó với ông lời chào ấy không có ý nghĩa gì nhưng rồi 11 năm sau ông mới công nhận là Sinha tái sinh thành Marta.

Sau đây là lời của ông Ida Lorenz, người cha hiện tại của Marta kể lại do Tiến Sĩ Ian Stevenson, người điều tra trường hợp này về chuyện mà người chị tên Lola của Marta đã thấy:

“Lúc Marta được 2 tuổi rưỡi, một hôm sau khi giặt xong quần áo ở một con suối gần nhà, Marta và Lola trở về nhà. Marta nói với chị: ‘Lola cõng em đi’. Lola (cũng như tất cả trẻ con hàng xóm của chúng tôi) không biết gì về lời hứa sẽ tái sinh của Sinha nên trả lời: ‘Em đi được, đâu cần chị cõng’. Marta nói: ‘Dạo trước lúc em lớn và chị nhỏ, em thường cõng chị đó’. Lola vừa cười vừa vặn lại: ‘Em lớn lúc nào?’. Marta trả lời: ‘Lúc em không ở đây, mà ở xa chỗ này, nơi có nhiều bò đực, bò sữa, có nhiều cây cam, và có nhiều con vật như dê, nhưng không phải các con dê này (ý cô bé nói về những con cừu ở nông trại của cha mẹ Sinha).

Rồi vừa đi vừa chuyện trò, Marta và Lola về tới nhà. Lola kể cho chúng tôi những ý tưởng lạ lùng của Marta, và tôi nói với Marta: ‘Này con gái nhỏ của ba, ba chưa bao giờ thấy con ở đấy sao con lại nói con ở đấy’. Marta trả lời: ‘Ðúng vậy, lúc đó con có cha mẹ khác’”.

Một người chị khác của Marta trêu em:

“Thế em cũng có một người đầy tớ da đen như bây giờ phải không?” (muốn nói đến đứa con gái da đen mồ côi mà chúng tôi đang nuôi). Marta trả lời ngay: ‘Không, lúc đó người đầy tớ da đen của chúng tôi đã lớn và biết cả nấu ăn, chúng tôi cũng có một em da đen nhỏ, và một hôm em nhỏ này quên không múc nước về nên bị cha tôi đánh’.

Nghe vậy tôi liền nói: ‘Cha chưa bao giờ đánh một em nhỏ da đen nào cả con gái bé nhỏ ạ’.  Marta nói: ‘Nhưng đó là người cha kia của con mà; bị đánh, em nhỏ kêu khóc và cầu cứu con: Sinhazinha hãy cứu tôi! và con đã xin cha đừng đánh nó nữa và thằng nhỏ chạy ngay đi múc nước về’.

Tôi hỏi: ‘Vậy ai là Sinha hay Sinhazinha?’. Marta trả lời: ‘Chính là con đấy, con còn có tên là Maria và một cái tên nữa mà con không nhớ’.

Tên đầy đủ của Sinha la Maria Januaria De Oliveiro.

Ðể thử xem Marta nói có đúng không, Ida cũng hỏi một câu: “Mẹ thường đến nông trại thăm Sinha, vậy Sinha thường làm gì để đón tiếp mẹ?”. Marta nói nó thường pha sẵn cà phê, vừa đứng chờ trước nhà vừa nghe máy hát để trên thềm đá.

Sau khi phỏng vấn người em gái của Sinha, Tiến Sĩ Ian Stevenson được biết quả đúng như vậy. Sinha thường làm thế để tiếp đón người bạn quý của mình, tức người mẹ hiện tại.

Ida hỏi Marta là Sinha đã nói thế nào khi Ida đến thăm Sinha lần cuối cùng trước khi Sinha chết. Marta đã diễn tả: “cô thều thào bên tai Ida, chỉ vào cuống họng mình rằng cô không thể nói được vì đau cuống họng”. Cảnh này chỉ một mình Ida biết mà thôi.

Liên tiếp mấy năm sau, Marta kê khai 120 bản về đời sống của Sinha và về những người mà Sinha quen biết. Người cha hiện nay của cô còn giữ tất cả những tài liệu này. Có nhiều điều mà ông, vợ ông và ngay cả đến những đứa trẻ khác trong gia đình hoàn toàn không biết nhưng sau khi kiểm chứng lại thì thấy đều rất chân thực.

Bấy giờ Marta thường nhắc đến căn nhà của Sinha và mong ước được về thăm nhưng mãi đến năm 12 tuổi, vào cái tuổi mà Marta ít nhắc đến tiền kiếp của mình thì Marta mới được mãn nguyện. Vừa đặt chân tới nhà, Marta đã nhận ra cái đồng hồ treo tường và nói nó là của mình. Cô còn nói đằng sau cái đồng hồ có in tên cô bằng chữ vàng. Người cha ở tiền kiếp nghe vậy bèn lấy cái đồng hồ xuống, quả nhiên đằng sau có in dòng chữ vàng: “Maria Januaria De Oliveiro”. Cái đồng hồ do Sinha mua và tự mình treo lên dây. Ðó là đồ vật duy nhất mà Marta nhận được tại nông trại.

Sau chuyến viếng thăm của Marta, một người bà con của Sinha nghe nói Sinha tái sinh, đã không báo trước mà tìm đến nhà ông bà Lorenz và hỏi Marta như sau: “Nếu quả cô là Sinha, xin cho tôi biết quan hệ giữa chúng ta như thế nào?”. Không chút ngặp ngừng Marta đã trả lời đúng: “Bà là chị họ và cũng là mẹ đỡ đầu”. Người đàn bà này hoàn toàn chưa bao giờ biết làng Dom Feliciano, nơi mà gia đình và Marta đang sống.

Một chuyện khác xảy ra khi Marta 19 tuổi và được một nông trại mời đến dạy trẻ. Gia đình này theo đạo Cơ đốc giáo nên không bao giờ Marta đề cập đến luân hồi. Bà lão da đen cũng làm tại nơi đây nhìn thấy Marta, đã nói với mọi người: “Cô gái này giống hệt như Sinha“. Hóa ra bà lão này chính là người đầy tớ trước đây của nông trại Oliveiro mà lúc lên 2 tuổi rưỡi Marta đã có lần nhắc tới.

Sinha tìm cái chết bằng cách tự hủy hoại thân thể mình với bệnh lao phổi và thanh quản – nay hai bệnh nghiệp chướng trên đã trở lại với cô – Marta rất dễ bị cảm lạnh và sưng phổi trong khi những đứa con khác của gia đình Lorenz không một ai bị bệnh này cả. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã bình luận: “Bệnh đau về hệ thống hô hấp và yết hầu của Marta hiện nay đúng là bệnh tình trước đây của Sinha. Tôi tin rằng trong hiện tại Marta hay mắc chứng bệnh này là vì có sự liên quan đến tiền kiếp và cái chết của Sinha”.

Trong kiếp sống hiện tại, Marta đã vượt qua những đau khổ của bản thân trong tiền kiếp để sống một cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa. cô đã được nhiều người đặc biệt nhớ đến vì tình thương yêu và lòng nhân ái trong cuộc sống hiện tại. Bằng sự trải nghiệm của bản thân mình, cô đã giúp cho những người xung quanh vơi đi những đau khổ và ưu sầu.

tuyệt vọng, tái sinh, mối tình, luân hồi, Bài chọn lọc,
Tiến Sĩ Ian Stevenson. (Ảnh: Internet)

Tiến Sĩ Ian Stevenson đã viết trong báo cáo:

“Một ngày nọ, một thiếu phụ đến thăm gia đình Lorenz và ca thán về cái chết của người cha. Thiếu phụ này nói: ‘Ôi các bạn thân mến, người chết rồi không bao giờ trở lại được’. Nghe vậy Marta đã lên tiếng: ‘Xin bà đừng nói thế, tôi cũng đã chết và bà có thấy không, tôi đang sống lại đấy’.

Một lần khác trong cơn mưa bão, một người chị của Marta đã lo lắng cho người em Emilia mới chết có thể bị ướt dưới mộ sâu. Marta đã nói: ‘Chị đừng nói vậy, Emilia đâu còn ở nghĩa địa, Emilia đã ở một nơi an toàn tốt đẹp hơn nơi của chúng ta hiện nay, linh hồn không bao giờ bị ướt cả’.

Theo Tinhhoa



Comments