Câu truyện về hòn đảo đã bị biến mất – Atlantis là một những câu truyện nổi tiếng nhất và cổ xưa nhất của Hy Lạp cổ đại. Hòn đảo này theo như đề cập đến trong các tác phẩm của nhà triết học Plato được cho là đã bị bao phủ bởi nước biển. Nhưng câu truyện về Atlantis không chỉ xuất hiện trong riêng truyền thuyết Hy Lạp cổ đại, các nền văn hóa khác cũng có truyền thuyết tương tự về những vùng đất rộng lớn đã bị chìm xuống đáy biển. Một trong số đó là câu truyện về vùng đất Cantre’ r Gwaelod của xứ Wales.
Cantre’ r Gwaelod (nghĩa là “Hàng trăm vùng đất thấp”) được cho là nằm giữa 2 đảo Ramsey và Bardsey ở khu vực mà ngày nay được gọi là Vịnh Cardigan, nằm ở phía Tây xứ Wales, Vương quốc Anh. Người ta tin rằng Cantre’ r Gwaelod trải dài khoảng 20 dặm (32 ki-lô-mét) về phía Tây của đường bờ biển hướng vào Vịnh Cardigan.
Khu rừng tiền sử bị chìm xuống biển ở Bờ biển Borth, xứ Wales |
Vào thế kỉ thứ 6, vùng đất Cantre’ r Gwaelod được cho là nằm dưới sự cai trị của vị vua truyền thuyết có tên là Gwyddno Garanhir. Trên thực tế, cho tới khoảng thế kỉ 17, Cantre’ r Gwaelod được biết tới với tên gọi là Maes Gwuddno (có nghĩa là “Vùng đất của Gwyddno”), đặt theo tên của vị vua xứ Wales. Một phiên bản khác của truyền thuyết liên quan tới Maes Gwuddno khẳng định vùng đất này đã bị chìm xuống biển khi Mererid, một nữ pháp sư ở một cái giếng thần, đã làm nước chảy ngập cả vùng đất.
Tuy nhiên, theo một truyền thuyết khác được biết đến và kể lại tới ngày nay, Cantre’ r Gwaelod được miêu tả là một vùng đất vô cùng trù phú, đến nỗi một mẫu đất ở đó có giá trị bằng bốn mẫu đất chỗ khác. Cantre’ r Gwaelod chỉ có một vấn đề duy nhất là vùng đất này lệ thuộc vào một con đê ngăn nước biển. Khi thủy triều xuống thấp, các cửa xả được mở để nước thoát ra từ Cantre’ r Gwaelod, và khi thủy triều lên cao, các cửa này được đóng lại.
Theo phiên bản gần đây của truyền thuyết này, có một người canh gác phụ trách canh giữ các cửa xả tên là Seithennin, là một người bạn của vua Gwyddno Garandir, và đồng thời là một người nghiện rượu nặng. Theo phiên bản này, một lần Seithennin đang tham gia một bữa tiệc ở cung điện của nhà vua thì có một cơn bão từ phía tây nam ập tới. Vì Seithennin hoặc là mải mê với bữa tiệc hoặc là buồn ngủ vì uống quá nhiều rượu, nên ông đã không nhận ra cơn bão đang tới, và đã không đóng các cửa xả lại. Và hậu quả được cho là nước biển đã gây lũ lụt cho toàn vùng đất, với 16 ngôi làng bị nhấn chìm. Gwyddno và các cận thần của mình đã phải rời khỏi những vùng đất thấp trù phú này, và tìm kiếm sự sinh tồn ở các khu vực kém màu mỡ hơn.
Theo một phiên bản có trước phiên bản này thì người chịu trách nhiệm quản lý các cửa xả nước không phải là Seithennin mà là cô gái có tên là Mererid. Seithennin được cho là một vị vua ở vùng đất khác, lúc đó đang tới thăm Cantre’ r Gwaelod, ông đã mê mẩn Mererid và đã khiến Mererid xao nhãng công việc của mình. Cũng như phiên bản trên, cũng có một cơn bão xảy ra, và Mererid, trong lúc bận bịu với Seithennin, đã không chú ý cơn bão và không đóng các cửa xả lại, và khiến vùng đất Cantre’ r Gwaelod bị nhấn chìm trong nước biển.
Một số người tin vào sự tồn tại của Cantre’ r Gwaelod, và một số đã lên kế hoạch tìm kiếm vùng đất bị chìm dưới nước này.
Vào mùa bão ở Vịnh Cardigan, phần còn lại của khu rừng tiền sử đôi lúc lại hiển lộ ra. Thêm nữa, một con đường đi bộ với các cột hàng rào liên kết với nhau, những dấu chân hóa thạch của người và động vật, cũng như một số công cụ của con người, đã được khám phá ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi xác định các đồ vật này cho thấy chúng đã hàng nghìn tuổi, điều này chỉ ra rằng thật sự đã từng có một vùng đất ở khu vực mà hiện nay là biển này, dù vùng đất này là đã tồn tại từ lâu trước cả triều đại Gwyddno Garanhir.
Tuy vậy, hoàn toàn có khả năng những dấu tích còn sót lại của khu rừng cổ đã kích thích trí tưởng tượng của những người chứng kiến chúng, và dẫn đến sự xuất hiện truyền thuyết về Cantre’ r Gwaelod .
Cũng có khả năng câu truyện về Cantre’ r Gwaelod có thể được hiểu là câu truyện mang ý nghĩa đạo lý. Phiên bản cũ của câu truyện là một bài học cảnh báo về sự nguy hiểm của sắc dục, trong khi phiên bản sau khuyến khích đức tính điều độ [trong ăn uống]. Những sự biến đổi quanh câu truyện có thể là sự biểu lộ về những thay đổi của các tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội xứ Wales qua thời gian. Bất kể liệu vùng đất Cantre’ r Gwaelod có tồn tại hay không, có thể truyền thuyết này vẫn sẽ tiếp tục được kể lại và có lẽ câu truyện sẽ được làm mới qua thời gian với những khám phá mới.
Comments
Post a Comment