Vén màn bí mật tục ướp xác động vật của người Ai Cập cổ

Việc chôn cất động vật và những dịch vụ kèm theo tưởng chừng như chỉ có ở thời hiện đại. Thế nhưng ở thời Ai Cập cổ, người ta đã biết chôn cất và tổ chức tang lễ cho động vật xuất phát từ những niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng. Ví dụ như việc thờ mèo để tỏ lòng tôn kính với nữ thần Bastet. 
Một quan tài cho mèo với xác ướp được chứa bên trong (khoảng 664-332 trước công nguyên)


Tại triển lãm mang tên "Những tạo vật mang linh hồn: Xác ướp động vật ở Ai Cập cổ đại" được tổ chức ở bảo tàng Brooklyn với hơn 30 xác ướp động vật ở thời Ai Cập cổ. Bộ sưu tập những xác ướp đáng kinh ngạc này lần đầu tiên được mang ra nghiên cứu với hi vọng sẽ làm sáng tỏ được những nghi lễ, cách thức ướp xác động vật của người Ai Cập.
Các nhân viên tại phòng thí nghiệm bảo tồn của bảo tàng Brooklyn đã khám phá ra rằng, mặc dù hình thức bên ngoài xác ướp được đầu tư, trau chuốt với quan tài và các lớp vải bao bọc nhưng các xác ướp bên trong lại không được bảo quản tốt. Có vẻ như người Ai Cập thực hiệp ướp xác động vật cũng tương tự như với ướp xác người. 
Xác ướp được bao bọc kĩ của một con hạc (khoảng năm 410 - 200 trước công nguyên)
Ảnh chụp x-quang xác ướp hạc
Quan tài của những chú mèo (khoảng năm 850 - 400 trước công nguyên)
Xác ướp mèo được bọc trong thạch cao và một loại giấy đặc biệt như giấy bồi, sau đó được vẽ trang trí lên thân (khoảng năm 750 - 390 trước công nguyên) 
Các nhà nghiên cứu cho rằng, xác ướp động vật là món quà dùng để tạ ơn các vị thần. Các loài vật tùy theo loài sẽ phục vụ những vị thần khác nhau và được tin rằng, chính chúng sẽ là sứ giả chuyển lời của con người đến các vị thần. Ở một vài thời điểm, những động vật được chôn theo người với mục đích làm thức ăn cho người chết khi qua thế giới bên kia. 
Một quan tài lộng lẫy của một con hạc. Đây là loài chim sông có cổ dài, mỏ dài và có mối liên hệ mật thiết với thần Thoth, vị thần của tri thức. Thoth cũng được miêu tả là vị thần có đầu hạc (khoảng năm 305 - 30 trước công nguyên).
Hai xác ướp chó được bọc kĩ và trang trí. Hai chú chó này dâng cho thần Anubis, vị thần của cái chết và tang tóc (khoảng 510 - 230 trước công nguyên).
Một xác ướp mèo (niên đại 780 - 390 trước công nguyên) và xác ướp hạc (30 TCN - thế kỉ I sau công nguyên). Mặc dù cách nhau khá xa về niên đại nhưng cách trang trí và ướp xác lại tương tự nhau.
Xác ướp mèo được vẽ trang trí phần mặt. 
Mèo là loài được ướp xác nhiều nhất, tiếp đến là chó, rắn, cá sấu, hạc, gia súc, thậm chí cả chuột chù cũng được tìm thấy trong các nghĩa trang lớn chỉ dành cho động vật. Nghiên cứu những xác ướp này khiến chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về văn hóa của người Ai Cập cổ.
Quan tài của chuột chù, loài được cho là giao tiếp và làm cận vệ cho thần mặt trời Ra (khoảng năm 664 - 30 trước công nguyên)
Con bò này không phải là xác ướp nhưng người ta sử dụng xương của nó, sau đó nhồi lau sậy và bọc vải để có hình dạng như thế này (khoảng năm 1075 - 332 trước công nguyên)
Một quan tài của rắn hổ mang với phần đầu được trang trí (664 - 30 trước công nguyên).
Dori (Theo Hyperallergic) (TT&VH)

Comments