Hiện tượng báo mộng

Ảnh minh họa
Đã có rất nhiều nhà khoa học cùng biết bao máy móc hiện đại chỉ để tập trung khám phá bí ẩn của mộng mị, nhiều giả thuyết đã được nêu về ý nghĩa và mục đích sinh học của giấc mơ, tuy nhiên tất cả vẫn còn khá mơ hồ như chính bản chất của đối tượng cần giải quyết. Và điều kỳ lạ trong những giấc mơ vẫn khiến không ít người của cuộc sống thật phải trăn trở, suy nghĩ...
Giấc Mơ là sự thể hiện của những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm cũng như những sự kiện đã trải qua trong tâm trí của chúng ta khi ngủ. Nội dung và ý nghĩa sinh học của giấc mơ chưa được biết đầy đủ, mặc dù là đối tượng quan tâm và suy đoán suốt tiến trình lịch sử nhân loại. 
Tiên tri hay chỉ là sự ám ảnh? 
Dù nhớ hay không thì hàng đêm ta vẫn mơ rất nhiều giấc mơ. Có thể có từ 4 đến 7 giấc mơ mỗi đêm. Và người sống đến 70 tuổi sẽ có 150.000 giấc mơ trong cả cuộc đời. Với hàng trăm tỷ người từng sống trên trái đất, tổng các giấc mơ của loài người đạt tới con số 15 triệu tỷ! Có những giấc mơ mà những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời đã diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi trong óc người đang ngủ. Trong giấc mơ, chúng ta tiến hành những chuyến du lịch xa xôi, chúng ta thấy lại mình trong những năm thơ ấu, những năm thời sinh viên, những năm chiến tranh… 

Hàng nghìn năm nay, con người cũng cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những giấc mơ. Những giấc mơ luôn có vai trò tối quan trọng đối với văn hóa xuyên suốt mọi thời đại. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại tin rằng giấc mơ thường hàm chứa những thông điệp từ Chúa. Người Trung Quốc tin rằng mơ là một cách để gặp lại những người thân đã mất. Thổ dân châu Mỹ xem những giấc mơ như những cánh cổng nối thế giới thực tại với thế giới tâm linh, là con đường dẫn tới các hành trình và những lời tiên tri. Họ cho rằng, thế giới khởi đầu từ những giấc mơ. 

Một trong những thách thức lớn nhất với khoa học là giải mã bộ não người với những thông tin được báo trước mà người ta thường gọi là “điềm báo trong giấc mơ”. Vì sao báo mộng lại có thể vượt trước được cả không gian, thời gian? Năm 1865, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln kể cho bạn bè về một giấc mơ mà trong đó, ông nghe thấy những tiếng động của đám tang từ căn phòng phía Tây trong Nhà trắng. Trong đó có một cái xác quấn vải niệm, với nhiều lính gác đứng xung quanh. Vì khuôn mặt cũng bị che kín nên khi được ông hỏi, một lính gác trả lời “Tổng thống”. Lincoln bị ám ảnh vì giấc mơ và một tuần sau ông bị ám sát.

Cho đến nay, vẫn chưa có được lời giải thích hợp lý như trường hợp của phóng viên Samson người Mỹ sau một ngày khi kết thúc công việc, nằm nghỉ trên sofa rồi ngủ luôn. 7 giờ sau tỉnh dậy, anh vẫn nhớ rõ mồn một những gì xảy ra trong giấc mơ. Anh ngồi ngay vào bàn làm việc và ghi lại tất cả: núi lửa Krakatoa phun mạnh ở gần đảo Java, dung nham và đá bùn cuốn một đám người ra biển… Samson viết xong, tiện tay ghi luôn 2 chữ “quan trọng” rồi ra về. 

Hôm sau Tổng biên tập đến thấy trên bàn làm việc của Samson có một bài viết, cho rằng anh đã nhận được tin tối qua, lập tức đăng ngay vào mục “tin khẩn”. Mấy chục tờ báo cũng đăng theo. Vì là tin thất thiệt nên dư luận phản đối gay gắt và Samson bị mất việc. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau đó, núi lửa Krakatoa quả nhiên hoạt động rất mạnh. Rất nhiều người thiệt mạng trong lần phun trào này. Giấc mơ đáng sợ của Samson trở thành hiện thực. Chuyện ngẫu nhiên như vậy đến nay vẫn không có lời giải thích thỏa đáng. 

Đì tìm bí ẩn những giấc mơ
Khoa học nghiên cứu về giấc mơ chỉ được coi như một bộ môn độc lập vào những năm 60 của thế kỷ 20, nhưng khoa học này phát triển khá nhanh: Hiện nay chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 600 trung tâm nghiên cứu giấc mơ. Còn tại Nga có 25 trung tâm tương tự. 

Các nhà khoa học hy vọng, nếu khám phá được những bí ẩn của giấc mơ thì có thể sẽ giúp cho ngành Y học chẩn đoán được bệnh tật sớm. Họ cũng hy vọng cơ chế của bộ não trong thời gian mơ có mối liên hệ với khả năng sáng tạo của con người. Mà cũng có thể, giấc mơ sẽ tiên đoán được điều gì đấy với con người.

Những giấc mơ là chỉ báo tình trạng sức khỏe của chúng ta. Giấc mơ có thể sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật đã được Aristote (384 - 322 trước công nguyên) đề cập đến. Ông khẳng định rằng, trong giấc mơ con người có thể sẽ nhận tín hiệu về bệnh tật chớm có, thậm chí còn chữa lành khỏi bệnh tật. Các nhà chuyên môn ngày nay phần lớn đồng tình với luận thuyết này. Bà Elena Korabelnikova - Phó Tiến sĩ Y học  của Viện Hàn lâm Y học Moscow, Nga cho rằng: “Nếu như con người nhìn thấy trong giấc mơ là anh ta đau ốm, thì điều này là tín hiệu rất nghiêm túc báo rằng trong cơ thể của anh ta đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật mà các chẩn đoán thông thường chưa thể xác định được. Rất có thể vào buổi sáng hôm sau anh ta sẽ bị ốm”.

Mặc dù con người có xu hướng quên gần 90% giấc mơ của mình khi tỉnh dậy nhưng nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã nảy sinh phát minh của họ trong lúc mơ ngủ và viết chúng ra giấy khi tỉnh dậy như nhạc sĩ Italia Giudepê Tartini sống vào thế kỷ 18, là người tin vào sự tồn tại của địa ngục và thiên đường. Một lần, dưới ảnh hưởng của những ý nghĩ về sự trừng phạt ở "thế giới bên kia", ông đã mơ thấy quỷ sứ đến xin ông nhận vào dàn nhạc của mình. "Nhưng tôi chỉ cần những nhạc công chơi vĩ cầm thôi" - nhạc sĩ trả lời. "Vì sao ngài lại nghĩ rằng tôi không biết chơi vĩ cầm?" - nhân vật của địa ngục trả lời. Gã vớ ngay lấy cây đàn và bắt đầu chơi. Ngay khi những hợp âm đầu tiên vang lên, Tartini đã quên phắt nỗi kinh sợ trước vị khách khủng khiếp đêm hôm ấy và ông chăm chú lắng nghe tiếng nhạc quyến rũ . Tỉnh dậy lúc sáng ngày, ông mau mắn ghi lại những gì đã nghe thấy vào khuông chép nhạc. Và ông đặt tên cho sáng tác đấy là "Xô nát của quỷ sứ". Đó là bản Xô nát nổi tiếng nhất trong các sáng tác của nhạc sĩ Giudepê Tartini!

Trong lịch sử, nhiều chuyện đã được biết đến khi nhà khoa học đã có được quyết định giải quyết các nghiên cứu của mình trong giấc mơ. Albert Einstein kể lại, trong giấc mơ ông trượt tuyết, vận tốc tăng dần cho đến khi đạt tốc độ ánh sáng, lúc ấy các vì sao thay đổi hình dạng và chuyển thành các vết sáng. Giấc mơ này được Albert Einstein ghi nhớ, tư duy của ông thường quay lại với “bức tranh” này. Và nó đã giúp ông tạo ra những nền tảng cho công việc khoa học của mình.

“Khả năng sáng tạo và những phát minh khoa học hoàn toàn có thể có được nhờ những giấc mơ” - Elena Korabelnikova khẳng định - “Vấn đề là ở chỗ, bộ não của chúng ta giống như chiếc computer, nó sẽ sàng lọc lại các thông tin mà chúng ta có được trong lúc mơ ngủ”. Kết quả là con người thu nhận những thông tin hoàn toàn từ một hướng khác, bằng một cách độc đáo dưới hình thức biểu tượng, hình tượng nào đó. Chính những thông tin ấy giúp con người đi đến những quyết định mà anh ta tìm kiếm được trong giấc mơ của mình.

Chuyên gia tâm thần học người Thụy Sỹ Carl Jung cho rằng, những giấc mơ sẽ giúp con người trưởng thành và hiểu thêm về bản thân mình. Ông cũng cho rằng giấc mơ phản ánh chính bản thân họ và những mối quan hệ của họ với người khác. 5 hiện tượng thường gặp nhất trong giấc mơ là ngã, bị rượt đuổi, người cứng đờ không thể cử động, bị muộn và một người thân “ra đi”. Rụng tóc hay răng và ngồi trong phòng thi mà xung quanh toàn là những người quá trẻ hoặc quá già so với mình cũng là những cơn ác mộng thường gặp. Về giới, nam giới dễ gặp ác mộng là các tội ác còn ở phụ nữ là bị sa thải trong khi mất người thân và bị quấy rối tình dục.  Một sự thực đáng kinh ngạc về giấc mơ là chúng thường hướng về những việc bị cấm đoán. Một người bị cấm ăn Chocolate có thể mơ được ngốn ngấu thỏa thích loại thực phẩm này. 

Theo Tiến sĩ Michael Schredl, Hiệp hội Nghiên cứu giấc mơ quốc tế, những giấc mơ bị rơi, bị truy đuổi hay cứng đơ người phản ánh đúng những trải nghiệm trong cuộc sống. Ví như một con quái vật truy đuổi bạn trong giấc mơ có thể phản ánh nỗi sợ hãi nào đó vào ban ngày, chẳng hạn như một nhiệm vụ khó khăn mà họ mong giá như mình không biết nó.

Tuy nhiên, gặp ác mộng cũng không phải là một điều quá xấu. Điều đó có nghĩa là giấc mơ có một cường độ cảm xúc mạnh và xảy ra khi có những vấn đề khó khăn mà bạn lo lắng, chưa thể giải quyết được trong đời sống thực. Vô thức của bạn đang cố gắng kéo sự chú ý của bạn bằng cách khiến cơn ác mộng trở nên sống động hơn cho đến khi bạn bắt đầu chú ý đến vấn đề. 

Còn rất nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học xung quanh giấc mơ. Và trên thực tế, vẫn chưa có học thuyết nào giải thích một cách chính xác bộ não làm việc như thế nào khi chúng ta mơ hay tại sao chúng ta lại mơ.

Nhưng bạn hãy cứ mơ những giấc mơ đẹp!

Comments