Chúng ta bắt đầu với việc xây dựng các Kim tự tháp. Di tích cổ xưa hùng vĩ này có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, từ Kim tự tháp bậc thang đến Kim tự tháp tròn và cổ điển, gần như tất cả các nền văn hóa cổ đại trên thế giới đều xây dựng những Kim tự tháp phi thường, với trình độ kĩ thuật vượt trên nhận thức của khoa học nhân loại ngày nay.
Những người Ai Cập cổ đại, Trung Quốc cổ đại, người Tiền-Inca, Inca, Aztec, Maya và vô số nền văn hóa cổ đại khác đều đã dựng lên các Kim tự tháp mà vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.
Chưa ai từng hiểu rõ mục đích thực sự của các Kim tự tháp… Liệu chúng được sử dụng như các lăng mộ? Các phòng lưu trữ? Di tích để tôn kính các vị thần? Hay như nhiều người ngày nay nhận định rằng Kim tự tháp có khả năng được xây dựng để khai thác năng lượng tự nhiên của hành tinh và vũ trụ.
Bí ẩn liên quan đến Kim tự tháp càng sâu hơn khi bạn nhận ra rằng một số kim tự tháp, như những Kim tự tháp nằm ở cao nguyên Giza được sắp xếp phù hợp với thiên văn.
Sự thật là, mặc dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều trong việc tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản của Kim tự tháp, nhưng chúng ta vẫn chưa biết được làm thế nào họ có thể tạo ra những kiến trúc hùng vĩ này và mục đích thật sự của họ là gì?
Kim tự tháp và sự kết nối với bầu trời
Thực tế các nền văn hóa và văn minh cổ đại trên thế giới đã xây dựng những kiến trúc lớn phi thường là một điều gì đó thật hấp dẫn chúng ta. Gần như tất cả các Kim tự tháp đều có sự tương đồng về mặt kiến trúc một cách kinh ngạc, nhưng chúng ta cũng không thể quên sự kết nối với bầu trời của hầu hết các Kim tự tháp.
Nếu nhìn vào các Kim tự tháp trên cao nguyên Giza, Kim tự tháp Teotihuacan và thậm chí cả các Kim tự tháp của Trung Quốc, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả các Kim tự tháp này dường như được gắn kết với những chòm sao cụ thể.
Ở đây chúng ta đang nhắc tới chòm sao Orion (Thiên lang), đây là chòm sao cực kỳ quan trọng không chỉ đối với người Ai Cập cổ đại, mà còn với cả người Aztec và tổ tiên của họ, nền văn minh Trung Quốc cổ đại và các nền văn minh cổ xưa khác trên thế giới.
Làm thế nào mà người cổ đại có khả năng định vị những di tích mô phỏng một cách chính xác theo mô hình vũ trụ đến như vậy vẫn là bí ẩn lớn nhất cho đến tận bây giờ.
Bàn kẹp kim loại cổ xưa… Bằng chứng của nền công nghệ cổ xưa đã mất?
Liệu những chiếc bàn kẹp kim loại cổ xưa có phải là bằng chứng thực sự về một nền công nghệ tiên tiến đã mất đang chờ đợi được khám phá? Dấu vết của nền công nghệ được cho là đã mất này có thể tìm thấy trên các đền thờ đá cự thạch và nhiều di tích thời tiền sử khác trên thế giới.
Mục đích thực sự của các bàn kẹp kim loại cổ đại là gì? Và những câu hỏi quan trọng hơn mà không ai có thể trả lời được là … công nghệ cổ đại này làm sao có thể lan truyền ra các nơi khác trên thế giới?
Bằng chứng của các bàn kẹp kim loại cổ đại có thể tìm thấy trong các công trình xây dựng ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp cổ đại, Tiền-Inca, Inca và các nơi khác trên thế giới.
Liệu có khả năng những người xây dựng các công trình cổ xưa này có cùng một nguồn chỉ dẫn? Liệu họ có làm theo một mô hình giống nhau khi họ bắt tay vào xây dựng Kim tự tháp?
Những đường rãnh chữ T (T-Groove) bí ẩn đã được phát hiện tại Tiahuanaco, Ollantaytambo, Koricancha và vùng Yuroc Rumi, Vilcabamba. Những chiếc bàn kẹp này cũng được sử dụng trên đền Parthenon, các công trình xây dựng ở vùng Lưỡng Hà, Ai Cập và Campuchia.
Trong khi các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về mục đích chính xác của các rãnh chữ T bí ẩn, một số người lại cho rằng chúng có thể được sử dụng cho một loại nghi lễ nào đó, cũng có những người chỉ ra rằng các bàn kẹp kim loại cổ xưa có thể đã được sử dụng để cố định những tảng đá lớn lại với nhau vào đúng vị trí.
Biểu tượng chữ 卍 hiện hữu trong hầu hết mọi nền văn minh trong quá khứ
Chữ 卍, hay còn biết đến là Thánh giá Gammadion, là một trong những biểu tượng lâu đời nhất và phổ biến nhất trên Trái đất. Nếu bạn nghĩ rằng nó là một biểu tượng đại diện cho cái ác và sự chết chóc thì bạn đã lầm. Nói một cách ngắn gọn và rõ ràng, biểu tượng chữ 卍 tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng, đồng thời là một biểu tượng rất tích cực.
Nó được coi là một biểu tượng phổ quát và được sử dụng bởi nhiều nền văn hóa và văn minh cổ đại trong suốt lịch sử.
Chữ 卍 thực chất là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “điều gì tốt” hoặc “tất cả đều tốt” nhưng một số người dịch nó thành “đối tượng may mắn hay tốt lành”, dù là cách dịch nào thì nó cũng là một biểu tượng rất tích cực.
Trong Ấn Độ cổ, nó là một biểu tượng rất thiêng liêng kết nối sâu sắc với sự may mắn và thịnh vượng, và đúng là có rất nhiều điều cần tìm hiểu về biểu tượng cổ xưa này, thứ đã từng bị hiểu một cách sai lạc từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Các nhà khảo cổ lâu nay vẫn tranh luận về nguồn gốc và niên đại chính xác của biểu tượng chữ 卍. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng vật có họa tiết chữ 卍 là một con chim làm bằng ngà voi ma mút từ nơi định cư thời đá cũ ở Mezine, Ukraine cách đây trong khoảng năm 10.000 đến 12.000 TCN.
Nền văn hóa Vinca là một trong những nền văn hóa sớm nhất sử dụng biểu tượng chữ 卍. Ở châu Á, nhiều tổ chức kinh doanh sử dụng một cách chính thức biểu tượng chữ 卍; Ví dụ như thị trường chứng khoán Ahmedabad và Phòng Thương mại Nepal đều sử dụng biểu tượng này.
Biểu tượng trái thông: được thấy trong gần như mọi nền văn hóa trên toàn cầu
Từ La Mã cổ đại tới Lưỡng Hà cổ đại, biểu tượng trái thông được khẳng định là một trong những biểu tượng bí ẩn nhất được tìm thấy trong nghệ thuật và kiến trúc cổ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, biểu tượng trái thông hướng tới mức độ cao nhất của khả năng giác ngộ tâm linh, một điều đã được công nhận bởi hầu hết các nền văn hóa cổ đại trên toàn cầu, được gắn với các công trình và nghệ thuật của người Indonesia, Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, và Rô-ma.
Kỳ lạ thay, trái thông dường như có một ý nghĩa tương tự trong tất cả các nền văn hóa cổ đại, tượng trưng cho cơ quan vết tích bí mật: Tuyến Tùng, và cũng được gọi là “Con mắt thứ ba”.
Tại sao những biểu tượng cổ xưa này lại lan truyền trên nhiều nền văn minh cổ đại vẫn là một bí ẩn khiến khoa học chưa thể giải thích nổi. Một số giả thuyết cho rằng đã tồn tại một thế lực thứ 3, chi phối vào quá trình lịch sử của nhân loại, truyền dạy cho con người không những khoa học kĩ thuật mà còn cả văn hóa, đạo đức và tu luyện.
Theo Minh Báo
Comments
Post a Comment