Khi tâm trạng buồn bã vì thất bại trong công việc hoặc thất tình, chúng ta thường có cảm giác thèm ăn rất nhiều. Các nhà khoa học đã đưa ra những lời giải thích lý thú cho hiện tượng này.
Trong mỗi chúng ta chắc hẳn đều có lúc xuất hiện cảm giác bỗng nhiên thèm ăn một món gì đó một cách mãnh liệt. Hình ảnh về những món ăn đó ám ảnh trong tâm trí của bạn mọi lúc mọi nơi, còn dạ dày thì liên tục kêu réo.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là cơ thể đang phát ra tín hiệu cảnh báo sự thiếu dinh dưỡng, của cơ thể khiến cho não bộ thúc giục một cảm giác thèm ăn liên tục.
Nhưng giáo sư Eva Kemps, một giáo sư tâm lý học từ Đại học Flinders ở Adelaide, Úc, lại cho rằng cảm giác thèm ăn cuồng nhiệt lại xuất phát từ tâm lý của chúng ta.
“Nếu bạn cảm thấy thèm chocolate và cho rằng là đó là do cơ thể của bạn cảnh báo đang thiếu chất ma-giê. Nhưng có nhiều loại thực phẩm khác nhiều chất ma-giê hơn chocolate, như rau spinach chẳng hạn. Vậy mà chẳng có ai bị cơ thể thúc giục thèm rau spinach một cách điên cuồng bao giờ.” Giáo sư Kemps nhận định.
Yếu tố hormone và tâm lý
Sự thèm ăn liên quan đến yếu tố tâm lý nhiều hơn là cơ thể. Cảm giác buồn bã, lo lắng, căng thẳng, buồn chán hoặc cô đơn thường sẽ dẫn đến cảm giác thèm ăn trong mỗi chúng ta.
Khi đó chúng ta thường thèm tất cả những loại thức ăn mà mình đang tưởng tượng, qua các hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy và thậm chí bất kể đồ ăn gì xung quanh mình.
Cảm giác thèm ăn ở phụ nữ mang thai chính là ví dụ. Những người đang trong thai kì thường thèm ăn một cách bất chợt và đôi khi thích ăn những thứ kì quái hoặc chưa hề thưởng thức qua bao giờ. Đó là sự ảnh hưởng của hormone trong giai đoạn này tăng cao và tâm lý mang bầu thường không ổn định.
Bởi vậy khi thất tình, tâm trạng của một người trở nên rối loạn, chán nản, tâm lý suy sụp và hormone không cân bằng chính là nguyên do khiến cho chúng ta cảm thấy thèm ăn nhiều hơn bình thường.
Khi tâm trạng buồn bã, chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường.
Dù cảm giác thèm ăn này xuất phát từ lý do nào thì đôi khi nó sẽ mang lại cho chúng ta sự phièn toái về nhiều mặt.
Một số thử nghiệm cho thấy rằng cảm giác bứt rứt khi thèm ăn một món ăn gì đó khiến nhiều người không thể tập trung được vào công việc hoặc ngay cả những hoạt động bình thường của mình.
Bởi não bộ của chúng ta chỉ có khả năng tập trung giải quyết một vấn đề trong cùng một thời điểm. Khi bạn đói, não bộ sẽ chỉ biết chỉ đạo bạn phải làm gì đó thỏa mãn cơn đói của mình.
Nghiên cứu của giáo sư Kemps và đồng nghiệp Marika Tiggemann dựa trên 130 người tình nguyện diễn tả về cảm giác trong những cơn thèm ăn gần đây. Kết quả cho thấy rằng hầu hết những người này không quan tâm nhiều đến những gì đang diễn ra xung quanh mình, thay vào đó, họ chỉ nghĩ đến hình ảnh và những mùi vị đang tưởng tượng ra trong đầu.
Không chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động cuộc sống, một khi cơn thèm ăn vượt ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể đối mặt với vấn đề về sức khỏe như béo phì và gia tăng cân nặng không mong muốn.
Với những người bình thường nếu cơn thèm ăn trở nên quá mạnh, có nghĩa rằng bạn đang có vấn đề gì đó về tinh thần, tốt hơn hết là bạn nên thỏa mãn nó để tâm trạng có thể trở nên thoải mái hơn.
Còn đối với những người có thể trạng thừa cân, cách hiệu quả để giảm cân đó là luôn giữ tinh thần thoải mái vui tươi, như vậy cảm giác thèm ăn sẽ hạn chế hơn.
Theo ngaynay
Comments
Post a Comment