Đến với miền bắc Venezuela, du khách sẽ được nghe kể nhiều về một điểm đến huyền thoại, được mô tả như một kỳ quan tuyệt diệu đến từ thiên nhiên. Đó chính là hiện tượng sét đánh ở cửa sông Catatumbo, cách Bogota, Colombia 15 giờ đi xe.
Maracaibo là hồ nước mặn lớn nhất Nam Mỹ thuộc bang Zulia, Tây Bắc Venezuela. Hồ có chiều dài 99 km, rộng 67 km, sâu 60 m và có tổng diện tích là 13.210 km 2.
Trong nhiều thế kỷ nay, tại vùng cửa sông đổ vào hồ Maracaibo mỗi năm có khoảng 160 đêm bị sét đánh, 10 giờ một ngày, 280 lần một giờ tương ứng với khoảng 1,2 triệu lần sét đánh trong một năm, và điều kỳ lạ nhất là hiện tượng này chỉ xảy ra ở một địa điểm duy nhất.
Người dân ở đây gọi con sông này là “sông lửa trên bầu trời” hay “dòng sông hứng lửa từ trời”.
Hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ này được người bản địa vô cùng tôn vinh và đã trở thành niềm tự hào của họ. Năm 1595, chính hiện tượng sét đánh liên tục tại vùng cửa sông đã ngăn cản chiến thuyền Anh do Francis Drako chỉ huy định tấn công vào vùng hồ. Ngày 24/7/1823, ánh sáng của các tia chớp đã soi sáng cho chiến thuyền của đô đốc José Prudencio Padilla giành thắng lợi trước hạm đội của Tây Ban Nha, buộc nước này phải công nhận nền độc lập của Venezuela.
Bởi vậy trong tâm thức, người dân Venezuela quan niệm tia chớp nơi cửa sông tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc họ, nó không chỉ là hoa tiêu cho các thủy thủ mà còn giúp họ giành được tự do. Người Venezuela đã sáng tác nhiều vần thơ ca ngợi nó, thậm chí hình ảnh tia sét cũng được gắn trên lá cờ còn âm thanh của nó thì được vang vọng trong quốc ca của nước này.
Alan Highton, một nhiếp ảnh gia kiêm hướng dẫn viên du lịch, người đã dành phần lớn thời gian sống ở cạnh hồ cho biết, người dân địa phương cảm thấy hiện tượng sét đánh này chẳng có gì độc đáo. Nhiều thế hệ ở đây coi đó là một phần trong cuộc sống của họ, thậm chí họ còn cảm thấy buồn cười khi biết hàng triệu du khách đổ về đây mỗi năm, dành cả đêm bên hồ chỉ để xem màn trình diễn phi thường của ánh sáng đến từ trời cao.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng sét đánh trên hồ Catatumbo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tái tạo tầng Ozon của trái đất, chính vì lẽ đó vùng cửa sông Catalumbo đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới.
Comments
Post a Comment