Phát hiện hệ mặt trời cổ nhất ngoài Thái dương hệ

Các nhà thiên văn học quốc tế ngày 27/1 cho biết họ đã phát hiện một hệ mặt trời mới nằm ngoài Thái dương hệ và được cấu thành bởi năm hành tinh đá nhỏ. Đây là hệ mặt trời nhiều tuổi nhất do được hình thành từ cách đây 11,2 tỷ năm, sớm hơn 6,7 tỷ năm so với Thái dương hệ của Trái đất.
Theo nhóm nhà khoa học, những hành tinh nằm trong hệ mặt trời trên có kích cỡ nhỏ hơn Trái đất với hành tinh lớn nhất có kích cỡ bằng sao Kim và hành tinh nhỏ nhất chỉ nhỉnh hơn sao Thủy.
Phát hiện hệ mặt trời cổ nhất ngoài Thái dương hệ
Những hành tinh này bay quanh ngôi sao của chúng trên quỹ đạo chỉ cách bề mặt chưa bằng 1/10 khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, một khoảng cách quá gần để tồn tại sự sống. Chu kỳ quay của các hành tinh này chưa đến 10 ngày.
Nhà thiên văn học Daniel Huber thuộc Đại học Sydney (Australia) nói: "Chúng tôi chưa từng thấy bất cứ hệ mặt trời nào như vậy. Việc có nhiều hành tinh bay quanh một ngôi sao già khiến cho hệ mặt trời này trở nên rất đặc biệt".
Cũng theo ông Huber, điều kỳ diệu nhất là đã có một hệ mặt trời già được hình thành tại thời điểm vũ trụ mới chỉ tồn tại được 1/5 số tuổi hiện nay (2,6 tỷ năm).
Theo nhà khoa học hàng đầu của Đại học Birmingham (Anh), ông Tiago Campante, phát hiện mới này sẽ giúp các nhà khoa học "hiểu rõ hơn về việc tồn tại sự sống cổ đại trong dải thiên hà".
Do hệ mặt trời này được tàu thăm dò vũ trụ Kepler của NASA phát hiện sau hơn bốn năm quan sát và tìm kiếm nên các nhà khoa học đã đặt tên cho mặt trời mới làKepler-444. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đến từ Mỹ, Australia và châu Âu.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2009 đến nay, tàu thăm dò Kepler đã phát hiện ra gần 4.200 thiên thể, trong đó có hơn 1.000 thiên thể đã được xác định là các hành tinh. Con số 1.000 hành tinh được Kepler xác lập hồi đầu tháng này.

Comments