Atlantis bị phá hủy là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại. Ngoài ra, còn một câu chuyện tương tự khác kể về sự hủy diệt của thành phố Helike chỉ qua một đêm, trong mối liên hệ với thần Poseidon, vị thần biển cả.
Theo truyền thuyết, thành phố Helike bị chôn vùi sau khi thần Poseidon làm nên một trận sóng lớn. (Wiki Commons)
Thần bảo trợ của Helike là Poseidon, vị thần Hy Lạp đại diện biển cả và những trận động đất. Sự sùng bái Poseidon được thể hiện trong các đền thờ, qua bức tượng đồng tạc Thần Poseidon, đồng tiền có in hình ảnh của Thần ở mặt phải và cây đinh ba ở mặt trái.
Đồng tiền được tìm thấy ở Helike.
Trong một đêm mùa đông năm 373 TCN, thành phố Helike đã bị xóa sổ. Một số dấu hiệu về sự diệt vong sắp xảy đến với thành phố đã được ghi nhận, trong đó có sự xuất hiện của ‘những cột lửa khổng lồ’ và sự di cư từ biển lên núi của hàng loạt động vật nhỏ trước thời điểm thảm họa xảy ra vài ngày. Một trận động đất lớn, theo sau là một trận sóng thần khổng lồ từ vịnh Corinth đã xóa sổ thành phố Helike khỏi mặt đất. Sáng ngày hôm sau, đội cứu hộ đã không thể tìm thấy bất cứ ai còn sống sót.
Thảm họa của Helike được cho là do Thần Poseidon gây nên. Theo chuyện kể, vị thần của biển đã nổi giận với cư dân Helike bởi họ đã khước từ việc đưa bức tượng Poseidon, hay thậm chí là bản sao của nó, đến cho những người định cư Ionia ở châu Á. Một số câu chuyện còn kể rằng những đại diện của người Ionia đã bị sát hại. Kết quả là Thần Poseidon đã trừng phạt người Helike bằng cách nuốt chửng cả thành phố xuống đáy biển, rất nhiều những sự kiện như vậy cũng đã xảy ra ở hòn đảo Atlantis.
Tượng thần Poseidon cầm cây đinh ba, biểu tượng của biển cả và động đất.
Nhưng không như Atlantis, Helike không hoàn toàn biến mất vì hòn đảo vẫn được du khách ghé thăm trong những thế kỷ sau đó. Nhà triết học Eratosthenes đã ghé thăm Helike 150 năm sau khi thảm họa xảy ra và viết, có một bức tượng Thần Poseidon bằng đồng đã bị ngập trong một ‘poros’ và là mối nguy hiểm đối với lưới đánh cá của ngư dân. Theo miêu tả của Pausanias, một người du lịch Hy Lạp đã đến tham quan khu vực, các bức tường của thành phố cổ vẫn còn được nhìn thấy dưới nước mặc dù đã bị nước biển ăn mòn. Người La Mã cổ đại cũng rất thích chèo thuyền đến đây để chiêm ngưỡng những bức tượng của thành phố. Tuy nhiên, vị trí của thành phố Helike đã dần biến mất hoàn toàn theo thời gian.
Khu khai quật thành phố cổ Helike.
Mặc dù những suy đoán về vị trí thực sự của Helike đã bắt đầu từ đầu TK 19 nhưng chỉ đến cuối TK 20, thành phố Helike mới được tái hiện. Vì Helike ngập trong nước, nên vị trí của thành phố là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, có một niềm tin cho rằng thành phố nằm ẩn mình đâu đó trong vịnh Corinth.
Năm 1988, một chuyên gia khảo cổ người Hy Lạp là Dora Katsonopoulou đã đưa ra giả thuyết rằng, ‘poros’ được nhắc đến trong các văn bản cổ không đề cập đến biển mà là một đầm phá nội địa. Nếu như vậy, Helike có thể không nằm trong vịnh Corinth mà trong vùng nội địa khi các đầm phá được phù sa sông bồi đắp qua hàng nghìn năm.
Mặc dù nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một thành phố La Mã cùng khu định cư từ thời kỳ đồ Đồng sớm, nhưng vào năm 2001, nhóm mới phát hiện được thành phố Helike tại Achaea, Hy Lạp. Năm 2012, địa điểm khai quật được xác định thực sự là Helike. Đến nay, công việc khai quật vẫn đang được tiếp tục.
Câu chuyện về sự biến mất đột ngột của Helike là một trong những bí ẩn thú vị, cho thấy sự tồn tại của con người hay cả một thành phố đều hết sức mong manh, và biết đâu sự tồn tại ấy lại hoàn toàn phụ thuộc vào phán xét của các vị thần.
Comments
Post a Comment